Metro Bến Thành – Suối Tiên: Đã thông sau nhiều lần “siêu đội vốn”

GD&TĐ – Sau gần 10 năm thi công, với một số lần điều chỉnh thời hạn hoàn thành cũng như kinh phí thực hiện dự án, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (Ban QLĐSĐT) đã tổ chức lễ thông tuyến toàn dự án đường sắt đô thị số 1 – tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên (chiều 17/2).

 

Một đoạn bên trong đường hầm tuyến metro. Ảnh: CTV
Một đoạn bên trong đường hầm tuyến metro. Ảnh: CTV

Cột mốc quan trọng

Theo ông Huỳnh Hồng Thanh – Phó Giám đốc Ban QLĐSĐT, đây là một trong những cột mốc quan trọng của dự án tuyến metro số 1, đánh dấu sự kiện chính thức kết nối thông suốt toàn bộ tuyến dài 19,7km từ depot Long Bình (Suối Tiên) đến ga trung tâm Bến Thành, cũng như đã nối thông toàn bộ 3 nhà ga ngầm Bến Thành – Nhà hát TPHCM – Ba Son và toàn bộ 2,6km đi ngầm.

“Sự kiện này cũng đánh dấu việc chuyển giao giai đoạn của dự án từ tập trung thi công phần kết cấu công trình sang tăng tốc thi công lắp đặt hệ thống đường ray, hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu… trên toàn tuyến và lắp đặt trang thiết bị, hoàn thiện tại các nhà ga, bảo đảm hoàn thành 85% khối lượng dự án trong năm 2020, hướng tới mục tiêu vận hành khai thác cuối năm 2021” – đại diện Ban QLĐSĐT thông tin.

Như vậy, sau một số lần điều chỉnh lùi thời hạn hoàn thành cũng như kinh phí thực hiện, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đã có những tín hiệu khởi sắc. Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TPHCM, chia sẻ: “Tuyến metro số 1 không chỉ là mối quan tâm của chính quyền mà của toàn người dân TP. Chúng ta tính làm metro chỉ mất 5 năm mà đến giờ vẫn chưa thể vận hành”.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng cho rằng, tuyến metro số 1 không thể chậm tiến độ thêm bởi thành phố đã nhìn ra được những vấn đề trong giai đoạn còn lại. Tuy vậy, trong năm 2020, TPHCM cần chuẩn bị khối lượng công việc rất lớn nhằm sẵn sàng cho tuyến đường sắt trên cao đầu tiên đi vào hoạt động. Tháng 6 năm 2020, đầu máy, toa xe sẽ về, nên mọi thứ cần phải sẵn sàng để chuyển giao sang công tác vận hành.

Được biết, sau lễ thông tuyến, toàn dự án metro số 1 đã hoàn thiện 71% khối lượng. Trong đó, gói thầu 1b gồm nhà ga ngầm Nhà hát TP và Ba Son hiện đạt 80% khối lượng, gói thầu 1a với ga ngầm Bến Thành hiện đạt 65% khối lượng.

Top dự án “siêu” đội vốn

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 bắt đầu khởi công từ tháng 8/2012, với 4 gói thầu chính đang triển khai. Trong đó, 3 gói thầu xây lắp chính gồm các gói thầu số 1a, 1b xây dựng đoạn ngầm, gói thầu số 2 xây dựng đoạn trên cao và gói thầu số 3 về thiết bị, đầu máy toa xe.

Ban đầu, công trình dự kiến khai thác sử dụng vào năm 2017 nhưng do vướng mắc trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và thiếu vốn khiến thời gian hoàn thành tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên tiếp tục đến lùi thời hạn năm 2021.

Quan sát các công nhân vẫn khẩn trương làm việc dưới đường hầm trong cái nắng mùa khô của TPHCM mới hiểu thêm quyết tâm của chính quyền TPHCM đẩy nhanh tiến độ của các hạng mục trên toàn tuyến metro. Cụ thể như, hạng mục thi công tái lập đường Lê Lợi (đoạn Đồng Khởi đến Pasteur, Q.1) và công viên trước Nhà hát TPHCM dự kiến hoàn thành trước 30/4 năm nay, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch ban đầu là tháng 6.

Không chỉ chậm tiến độ với thời gian khủng, Bộ Giao thông vân tải còn xếp dự án tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên của TPHCM vào tốp 3 dự án đường sắt trên cao đội vốn trên cả nước. Lý giải cho thực trạng này, UBND TPHCM cho rằng đơn vị tư vấn trong nước thiếu kinh nghiệm do loại hình đường sắt đô thị (metro) còn rất mới mẻ tại Việt Nam.

Theo tiến trình đội vốn và lùi thời hạn, Dự án tuyến metro số 1 đã được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2007 với tổng mức đầu tư 17.400 tỉ đồng, đến năm 2010 được phê duyệt lại trên cơ sở điều chỉnh thiết kế cộng với sự thay đổi tỉ giá đồng yen Nhật, nâng tổng mức đầu tư lên 47.000 tỉ đồng, sau đó UBND TPHCM được giao thẩm quyền phê duyệt lại tổng mức đầu tư trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành Trung ương thì tổng mức đầu tư của dự án này còn 43.600 tỉ đồng.

Lý do khiến tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng mạnh, báo cáo của Chính phủ giải thích là do sự biến động khách quan của giá nguyên liệu, nhiên liệu và việc tăng mức lương tối thiểu từ năm 2006 – 2009.

Ngoài ra, dự án được tăng khối lượng xây dựng nhằm đem lại hiệu quả đầu tư và khai thác cao hơn. Cụ thể, tăng đầu tư cho đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga nhằm đáp ứng nhu cầu tăng lưu lượng hành khách dự báo vào năm mục tiêu thiết kế là năm 2040 (thay vì năm 2020 như trong dự án đầu tư).

Sau nhiều lần lỡ hẹn, lãnh đạo TPHCM khẳng định tuyến metro số 1 sẽ không thể chậm tiến độ thêm nữa. “Chúng ta thực hiện dự án metro số 1 trong điều kiện chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng, cũng chưa có cơ sở thực tiễn để thực hiện một dự án metro tại Việt Nam” – Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chia sẻ.

“Toàn bộ phần hầm ngầm giữa ga Ba Son – Nhà hát TPHCM – Bến Thành đã được nối, tuyến metro số 1 thông suốt 19,7 km. Chúng tôi sẽ phấn đấu thi công đưa dự án vào hoạt động cuối  năm 2021” .
Ông Huỳnh Hồng Thanh – Phó Giám đốc Ban QLĐSĐT

Như Ý

Nguồn : giaoducthoidai.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *