Thành phố phía Đông

Ảnh minh họa/INTẢnh minh họa

Cùng thời điểm, Chính phủ cũng đã thông qua dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh và giao các bộ liên quan báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Với 2 động thái này, có thể nói, TP Hồ Chí Minh đang từng bước hiện thực hóa giấc mơ “thành phố phía Đông”, ý tưởng vốn đã hình thành từ gần chục năm trước, khi đề xuất tạo cơ chế cho 4 thành phố vệ tinh ở 4 cửa ngõ Đông – Tây – Nam – Bắc.

Trong đó, mỗi thành phố có một chính quyền đô thị riêng, trực thuộc chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh, được thiết kế theo hướng phân cấp mạnh, tăng thẩm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm để tạo một cơ chế phát triển chủ động và độc lập.

Đề xuất này chưa phù hợp với bối cảnh kinh tế – xã hội lúc đó, nhưng một thập kỷ đã trôi qua và giờ có vẻ là thời điểm thích hợp. Chính quyền TP Hồ Chí Minh không chỉ đã có sự chuẩn bị nhất định mà còn đang thể hiện quyết tâm chính trị rất cao nhằm biến giấc mơ trở thành sự thực.

Rộng hơn 200 km2, với khoảng một triệu dân, “thành phố phía Đông” trong mong muốn của chính quyền TP Hồ Chí Minh, sẽ trở thành “quả đấm kinh tế” với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của thành phố và cả vùng Đông Nam Bộ.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân kỳ vọng “thành phố phía Đông” có thể đóng góp 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP Hồ Chí Minh, bằng 4 – 5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước.

Cả 3 quận dự định sáp nhập đều sở hữu một số nền tảng cần thiết để đạt được kỳ vọng này. Quận 2 có Khu đô thị mới Thủ Thiêm là trung tâm tài chính. Quận 9 có khu công nghệ cao là hạt nhân. Quận Thủ Đức có khu đô thị đại học, trong đó có Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và 18 trường đại học khác.

Tuy vậy, còn rất nhiều khó khăn khác TP Hồ Chí Minh phải đối mặt, ngoài cái khó về tính pháp lý khi mô hình “thành phố trong thành phố” chưa có tiền lệ ở nước ta. Trong đó, việc xác định chức năng và tổ chức không gian đô thị, cũng như không gian kinh tế – xã hội sao cho hợp lý không hề đơn giản vì không chỉ liên quan tới tài chính, quỹ đất, mà còn cả việc tích hợp, dịch chuyển.

“Thành phố phía Đông” rất cần có một bản quy hoạch hoàn chỉnh, chi tiết giải quyết 3 vấn đề cốt lõi từng được Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn chỉ ra, đó là trung tâm đô thị nằm ở đâu? Hệ thống giao thông riêng, giao thông kết nối đô thị như thế nào?

Và việc quy hoạch đô thị mới phải là động lực để chỉnh trang khu đô thị hiện hữu. Phải làm chuẩn chỉnh để tránh đầu tư dàn trải, vừa không đủ nguồn lực, vừa kém hiệu quả và tránh cả nguy cơ “thành phố phía Đông” có thể trở thành “ốc đảo” nuôi dưỡng lợi ích bất động sản.

Hoặc, nhiều người bàn về cái tên, “thành phố phía Đông” hay “thành phố Thủ Đức”, nhưng tên gọi không quan trọng bằng nội hàm – tổ chức, vận hành đơn vị hành chính này như thế nào để có năng lực đổi mới sáng tạo, sức cạnh tranh cao, thu hút nhiều doanh nghiệp và có môi trường sống tốt để thu hút lực lượng lao động chất lượng cao và tài năng.

Phố Đông của Thượng Hải, Trung Quốc hay khu Gangnam, Incheon của Hàn Quốc chỉ mất hơn 10 năm đã hình thành cơ bản.“Thành phố phía Đông” của TP Hồ Chí Minh sẽ cần bao nhiêu thời gian?

Nguồn : giaoducthoidai.vn

Để lại bình luận bên dưới

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *