Với những tính năng vượt trội như mạng băng thông rộng, tốc độ kết nối cao gấp khoảng 40 lần với 4G, độ trễ thấp, đáp ứng nhanh, mạng thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G) được kỳ vọng sẽ là trụ cột, là cơ sở hạ tầng quan trọng giúp nền kinh tế số của Việt Nam “cất cánh” trong thời gian tới.
5G là công nghệ internet di động mới nhất, được cho là tương lai của ngành viễn thông. So với các thế hệ mạng 4G, 3G và 2G, 5G cung cấp thông lượng dữ liệu được cải thiện đáng kể, mạng lưới sử dụng năng lượng ít hơn, hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), có độ trễ gửi và nhận tín hiệu chỉ bằng 1/5 so với 4G. Ước tính vào năm 2025, mạng 5G sẽ sử dụng năng lượng ít hơn 10 lần so với 4G, góp phần tạo ra môi trường số bền vững và tiết kiệm năng lượng.
Nhà mạng dốc tiền đầu tư 5G
Trong một bài chia sẻ về việc phát triển mạng 5G tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, nghề của các nhà mạng là hạ tầng, lợi thế cạnh tranh chính cũng là hạ tầng. Các nhà mạng phải đầu tư cho hạ tầng từ 15 – 20% doanh thu cho hạ tầng và khi có công nghệ mới như 5G thì phải đầu tư lớn hơn từ 20 – 25% doanh thu.
Theo Bộ trưởng, 5G là không gian mới quan trọng của nhà mạng, nếu không có 5G thì nhà mạng sẽ không thể tăng trưởng doanh thu 10%, nhưng để tăng trưởng 10% thì không chỉ 5G là đủ mà cần xây dựng cả một hệ sinh thái 5G. Đất nước phát triển thì phải dựa vào không gian mới. Không gian mới thì cần hạ tầng mới, đó là hạ tầng số. Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT (Internet vạn vật), hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng số Việt Nam phải đảm bảo dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn…
Ảnh minh hoạ
Với quyết tâm thương mại hóa 5G trong năm 2024, tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã lần lượt trúng đấu giá 2 khối băng tần 5G là B1 (2.500 – 2.600 MHz) và C2 (3.700 – 3.800MHz). Với đấu giá thành công 2 khối băng tần 5G nêu trên không chỉ mang lại khoảng 10.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, mà còn giúp giải “cơn khát” băng tần bấy lâu nay.
Ngay sau khi đấu giá thành công, phía Viettel cho biết B1 là băng tần hiệu quả để triển khai đồng thời cả mạng di động 4G và 5G. Đây cũng là băng tần tối ưu được vùng phủ với bán kính gấp 1,3 lần so với băng tần band C (3.500 MHz). Hiện tại, các thiết bị 5G do Viettel nghiên cứu và sản xuất đã sẵn sàng để chạy triển khai trên băng tần B1. Phía VNPT thì cho hay, băng tần C2 cho phép tập đoàn này có nhiều lựa chọn thiết bị mạng, chi phí triển khai mạng 5G hợp lý nhất và đáp ứng chiến lược triển khai mạng 5G tốc độ cao nhất tại Việt Nam. Để tăng cường hiệu quả triển khai 5G, VNPT sẽ hợp tác chia sẻ hạ tầng với nhà mạng trúng thầu băng tần C3 trong lần đấu giá lại sắp tới (băng tần C2 và C3 cung cấp một sự cân bằng tốt giữa tốc độ truyền dẫn dữ liệu và khả năng phủ sóng).
Trên thực tế, mục tiêu phát triển 5G không chỉ là nâng cao năng lực băng thông rộng của các mạng di động, mà còn là cung cấp kết nối vô tuyến chất lượng cao phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất với các dây chuyền tự động hoá. Các doanh nghiệp có thể sử dụng các công nghệ 5G công nghiệp để theo dõi hàng hóa và vật liệu trong suốt quá trình sản xuất và mô phỏng các quy trình hoạt động của nhà máy; sử dụng để giao tiếp M2M theo thời gian thực, các ứng dụng thực tế tăng cường cũng như giám sát sản phẩm và dữ liệu tài sản.
Động lực thúc đẩy kinh tế số
Công nghệ 5G được coi là một công cụ quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất, giáo dục, y tế, nông nghiệp, tài chính ngân hàng, năng lượng đến thương mại dịch vụ. Nhiều mô hình kinh doanh, thậm chí là những ngành và dịch vụ hoàn toàn mới đang xuất hiện, thay thế cho những mô hình truyền thống nhờ sự hỗ trợ của công nghệ mới.
Ảnh minh hoạ
Với những tính năng vượt trội như mạng băng thông rộng, tốc độ kết nối cao gấp khoảng 40 lần với 4G, độ trễ thấp, đáp ứng nhanh, mạng thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G) được kỳ vọng sẽ là trụ cột, là cơ sở hạ tầng quan trọng giúp nền kinh tế số của Việt Nam “cất cánh” trong thời gian tới.
Theo ông Hidetaka Shiraishi, Giám đốc cấp cao tiếp thị và triển khai 5G trên toàn cầu của Huawei Technologies, những năm qua, thế giới ghi nhận chuyển đổi trong hành vi của khách hàng và cuộc sống của mỗi người, cách chúng ta làm việc, sử dụng phương tiện truyền thông, giải trí. Dữ liệu trở thành tài nguyên cốt lõi mới của chuyển đổi số và kinh tế số. Nếu như kinh tế truyền thống xây dựng và dựa vào nguồn tài nguyên như quặng, khoáng sản, nhiên liệu hóa thạch, kinh tế số lại sử dụng dữ liệu. 5G là một yếu tố quan trọng cho sự chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế kỹ thuật số một cách rõ rệt hơn.
Trong kỷ nguyên mà dữ liệu truyền đi tính bằng Gigabit mỗi giây, không chỉ người dùng băng rộng di động bị ảnh hưởng sâu sắc mà cả các ngành công nghiệp khác nhau. Họ tích hợp dịch vụ đám mây vào hoạt động, trong khi các nền tảng video như TikTok chứng kiến tăng trưởng theo cấp số nhân, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ còn các lĩnh vực truyền thống như vận tải, sản xuất, logistics… được vận hành thông minh, cho thấy hiệu quả sản xuất và tiết kiệm năng lượng. Tất cả đều đã đang và sẽ tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội.
“5G là yếu tố quan trọng của chuyển đổi số. Nhưng thực tế, 5G còn có nhiều giá trị hơn thế. 5G đã trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số”, đại diện Huawei chia sẻ. Thế giới hiện có hơn 260 mạng 5G với 1,5 tỷ người dùng. Chỉ mất 5 năm để mạng 5G phủ sóng 50% dân số, nhanh hơn 4G hai năm. Thời gian cán mốc 1 tỷ người dùng của 5G cũng nhanh hơn ba năm so với 4G.
Việc áp dụng 5G sẽ hứa hẹn tạo ra một sự chuyển đổi lớn hơn. Với tốc độ nhanh hơn 10 lần, các cảm biến không dây được kết nối qua mạng 5G sẽ tăng lượng dữ liệu thời gian thực và tạo điều kiện cho việc canh tác chính xác, cho phép triển khai số lượng lớn các thiết bị IoT. 5G sẽ là hạ tầng số gần như thay thế cơ sở hạ tầng vật lý trong việc xây dựng nền tảng cũng như kết nối xã hội tương lai. Cơ sở hạ tầng số này tạo ra kết nối không chỉ giữa con người với con người mà còn giữa con người với máy móc, giữa máy móc với máy móc. Đó là những cơ sở tạo ra tự động hóa cũng như việc chuyển đổi giữa các ngành công nghiệp.
Dự báo đến năm 2030, 5G dự kiến đem lại cho các nhà khai thác Việt Nam doanh thu 1,5 tỷ USD. Đến năm 2025, 5G có khả năng đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,3 đến 7,4% bởi công nghệ này có thể nâng cao năng suất lao động, hiệu suất làm việc của doanh nghiệp.
Nguồn: vietnamfinance.vn